Dong Duong Production Company Limited
Dong Duong Production Company Limited
Nói về định hướng hoạt động của Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam trong thời gian tới, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, hiệp hội sẽ đi theo hướng phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị, với mục tiêu để Việt Nam trở thành điểm đến được chọn lựa đầu tiên trong chuỗi cung cấp gia vị toàn cầu. Để làm được điều đó, Hiệp hội sẽ tập trung vào chiến lược đa dạng hóa ngành hàng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng trong cơ cấu sản phẩm hồ tiêu và gia vị.
Song song đó, Hiệp hội đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, canh tác bền vững tại các vùng nguyên liệu để chuỗi cung ứng ổn định, bền vững hơn và mang lại giá trị kinh tế lớn hơn cho ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam.
Mục tiêu là đến năm 2025 tăng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gia vị lên khoảng trên dưới 2 tỷ đô la Mỹ, với tổng sản lượng từ 400.000-500.000 tấn.
Chiếm khoảng 55% sản lượng và 60% thị phần thương mại toàn cầu, hồ tiêu là mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay có vị thế có thể dẫn dắt thị trường quốc tế. Trong năm 2017, diện tích gieo trồng hồ tiêu đạt 152 nghìn ha, tăng 22,7 nghìn ha so năm 2016; trong đó, Tây Nguyên (94.356 ha) và Đông Nam Bộ (49.493 ha) là 2 vùng có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước. Sản lượng hồ tiêu năm 2017 đạt 241,5 nghìn tấn, tăng 25,1 nghìn tấn. Xuất khẩu hồ tiêu năm 2017 đạt khoảng 230 ngàn tấn, giá trị ước đạt 1,11 tỷ USD giảm 21% so với năm 2016.
Cùng với sự phát triển, ngành tiêu vẫn đang tồn tại một số hạn chế: (i) Đa phần giống hồ tiêu vẫn trôi nổi, chưa thể kiểm soát được chất lượng; (ii) Bùng nổ diện tích hồ tiêu vượt quy hoạch, gây nguy cơ phát triển thiếu bền vững; (iii) Sản xuất nhỏ, manh mún, thiếu liên kết; (iv) Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và các loại thuốc BVTV vẫn còn xảy ra, khiến độ phì đất bị suy giảm nghiêm trọng, độ pH thấp, vi sinh vật có lợi bị tiêu diệt, sức đề kháng hồ tiêu kém, khiến dịch bệnh về rễ có điều kiện bùng phát; (v) Thu hoạch thủ công, bảo quản sau thu hoạch còn yếu; (vi) Quản lý chất lượng sản phẩm kém, chưa có thương hiệu; (vii) Tiêu xuất khẩu dạng sơ chế hiện đang chiếm tỉ lệ cao, ước tính lên đến hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu. Chính vì vậy, giá trị xuất khẩu cũng như lợi thế cạnh tranh của tiêu Việt Nam còn chưa cao. Xuất khẩu tiêu của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi áp lực gia tăng hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng lớn như dư lượng hóa chất tối thiếu. Do đó, để đạt được những yêu cầu về kỹ thuật của những thị trường nhập khẩu chính, Việt Nam sẽ phải chú trọng hơn nữa về vấn đề chất lượng đối với sản phẩm tiêu.
Nhóm công tác PPP gia vị và hồ tiêu được thành lập năm 2015 do Cục Bảo vệ thực vật, IDH và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đồng chủ trì. Ngoài ra, còn có sự tham gia của Harris Freeman, Intimex, McCormick, Netafim, NED Spice, Olam International, Rainforest Alliance, SNV, Syngenta, Unilever, Simexco Daklak.
Mục tiêu của nhóm là kết nối nguồn lực của các đối tác trong chuỗi cung ứng hồ tiêu/gia vị Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề phát triển bền vững của ngành hàng. Cụ thể, hoạt động của nhóm công tác nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa khối nhà nước và khối doanh nghiệp, thúc đẩy ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững thông qua việc sản xuất hồ tiêu an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tạo ra giá trị và thương hiệu tốt hơn cho hồ tiêu Việt Nam, giúp tăng năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế ngành hàng hồ tiêu Việt Nam.
Mặc dù mới được thành lập trong vài năm gần đây nhưng hoạt động của Nhóm công tác PPP gia vị và hồ tiêu đã có những kết quả tốt. Cụ thể:
Xây dựng 5 hợp phần đầu tiên về “Hướng dẫn sản xuất hồ tiêu bền vững”.
Tập huấn cho hơn 120.000 nông dân về sản xuất hồ tiêu bền vững.
Phối hợp giữa Cục Bảo vệ Thực vật, Hiệp hội và doanh nghiệp để xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất bền vững cho hồ tiêu, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới.
Hỗ trợ và phối hợp với nhóm hóa chất nông nghiệp theo dõi cảnh báo về xuất khẩu Hồ tiêu của các nước và tổ chức nhập khẩu. Đang xúc tiến việc thành lập Ban điều phối ngành hàng hồ tiêu do IDH và Cục BVTV chủ trì việc triển khai.
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT (Đồng Trưởng nhóm)
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (Đồng Trưởng nhóm)
Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH (Đồng Trưởng nhóm)
Công ty CP Giải pháp Thời tiết và Nông nghiệp AgriMedia
Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC)
Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ)
Công ty CP Sản xuất Dịch vụ XNK Hà Nội (Haprosimex)
Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam
Công ty TNHH Chế biến Gia vị Nedspice Việt Nam
Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood
Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco)
Công ty CP Giám định Cà phê & Hàng hóa XNK (CafeControl)
Công ty TNHH Gia vị Liên hiệp (UniSpice)
Công ty CP Giám định và Chứng nhận Hàng hóa (VCC&C)
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI)